Trong bài viết ngày hôm nay cuả YouSport.vn chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số kỹ thuật cơ bản của vị trí thủ môn

1. Tư thế đứng chuẩn bị

Đầu tiên là về tư thế đứng chuẩn bị. Nếu thực hiện tốt bước này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc phản xạ, cản phá những tình huống bóng diễn ra tiếp theo.

Các thủ môn sẽ cần hạ thấp trọng tâm xuống khi đứng chuẩn bị và đứng trên 2 đầu mũi chân, 2 chân mở rộng bằng vai, mắt nhìn về hướng bóng. 2 tay để sẵn sàng ở phía trước.

Tư thế đứng này giúp ta luôn tập trung được vào tình huống, đồng thời thuận lợi cho các pha bay người, đổ người cứu bóng cả trên cao và dưới thấp.

2a. Kỹ thuật đổ người

Tiếp theo là về kỹ thuật bay người và đổ người. Đối với đổ người, kỹ thuật này áp dụng trong những tình huống bóng ở tầm thấp, xa vị trí đứng.

Để thực hiện động tác đổ người thì chúng ta cần bước chân trụ chéo lên về phía trước, mục đích là thu hẹp góc của đường đi trái bóng. Nếu chúng ta đổ người ngang thì góc đi sẽ rộng hơn dễ bị thủng lưới.

Trọng tâm của chúng ta cũng sẽ hạ từ từ xuống theo chân trụ chứ không thay đổi đột ngột từ cao xuống thấp để tránh tình trạng bị lọt nách.

Lưu ý là khi đổ người xuống, chúng ta nên duy trì khoảng cách giữa tay và mặt sân thấp để bóng không lọt qua.

Nếu đổ sớm và bóng nằm trong tầm thuận lợi thì chúng ta sẽ bắt gọn bóng, còn cảm giác đổ người chỉ vừa kịp hoặc bóng nằm xa tầm với thì cố gắng đẩy bóng ra ngoài.

2b. Bay người

Kỹ thuật bay người cũng có các bước thực hiện tương tự như đổ người. Nhưng thay vì hạ dần trọng tâm xuống thấp thì chúng ta bật nhảy người lên cao cản các cú sút bóng tầm cao trên trung bình.

3. Bắt bóng, đẩy bóng

Yếu tố thứ 3 chính là khả năng bắt bóng, đẩy bóng. Trường hợp nào bắt, trường hợp nào đẩy thì mình đã nói phần trên. Kỹ thuật đẩy thì khá tương tự nhau còn kỹ thuật bắt thì có 2 loại khác biệt là bắt bóng sệt và bắt bóng bổng.

Với bóng sệt thì chúng ta cần lưu ý khi bắt bóng chân chúng ta khuỵu xuống, mục đích là để hạ trọng tâm giúp tay thoải mái bắt bóng. Mặt khác cũng là để phòng tình huống bóng bất ngờ lọt qua 2 tay đi vào lưới

Sau khi hạ trọng tâm rồi thì chúng ta vươn tay từ trong hướng ra về phía trước. Hai cẳng tay song song với nhau, các ngón tay xòe rộng ra đón bóng sau đó ôm cuộn lên ngực.

Đối với bắt bóng bổng thì lưu ý lớn nhất đó chính là form tay của chúng ta.

Khi bắt bóng bổng chúng ta sẽ duy trì form tay dạng hình chữ W. Phải giữ đúng form tay để có thể bắt bóng tốt đồng thời tránh các chấn thương.

4. Chuyền bóng, ném bóng

Kỹ thuật cuối cùng được nhắc đến trong video ngày hôm nay chính là việc phát động bóng từ phía dưới lên của thủ môn.

Chúng ta đều biết là thủ môn ngày càng có vai trò nhiều hơn trong việc đóng góp vào lối chơi, thay vì chỉ là người cản phá các cú sút từ đội bạn. Nhất là với bóng đá 5 người, vai trò đó càng rõ rệt hơn.

Việc phối hợp tốt với các hậu vệ bằng các đường chuyền sẽ giúp kéo dãn đội hình đối phương để triển khai tấn công, đồng thời cũng giúp giải tỏa bớt áp lực lên các hậu vệ.

Hay khi chúng ta thực hiện 1 đường chuyền dài, một cú ném bóng hiệu quả sẽ mở ra cơ hội rất lớn để có được 1 tình huống tấn công nguy hiểm.

Chuyền bóng

Đối với kỹ thuật chuyền bóng thì tương tự như các vị trí khác trên sân, các bạn có thể tham khảo lại ở video cũ của bọn mình. Còn ném bóng thì sẽ có 2 kiểu là ném sệt và ném bổng.

Ném bóng

Đối với ném bóng sệt thì chúng ta hạ thấp trọng tâm cơ thể, vòng tay từ sau ra trước, từ cao xuống sát đất khiến cho đường bóng đi sát mặt đất, không lập bập để đồng đội dễ dàng khống chế.

Ném bóng bổng chúng ta cũng có thể dùng động tác tay gần tương tự nhưng khác là hất bóng vòng từ dưới lên trên cao. Tuy nhiên động tác này không thực sự phổ biến.

Thường thì các thủ môn sẽ ưu tiên kiểu ném bóng vòng từ dưới thấp lên cao hơn. Nhưng dù là ném kiểu nào thì cũng cần ném tập rất nhiều lần để tạo cảm quan về điểm rơi tốt.

Và đó là các kỹ thuật cơ bản cho vị trí thủ môn mà bọn mình giới thiệu đến các bạn lần này. Lần sau, chúng ta sẽ đến với 1 số bài tập hữu ích để cải thiện khả năng bắt bóng.