bóng-bàn-có-nguồn-gốc-từ-nước-nào

Bóng bàn là môn thể thao có lịch sử từ lâu đời và được rất nhiều người ưa thích. Về việc bóng bàn có nguồn gốc từ nước nào cho đến nay vẫn còn có nhiều quan điểm tranh luận rất khác nhau, song quan điểm nghiêng về môn bóng bàn xuất hiện sớm nhất tại đảo quốc sương mù.

1. Lịch sử hình thành

Bóng bàn có nguồn gốc từ nước Anh, vốn là một trò giải trí sau giờ ăn tối của giới thượng lưu dưới thời Nữ hoàng Victoria của thập niên 1880.

Môn bóng bàn gắn liên với tên tuổi Kỹ sư James Gibb. Từ năm 1889, ông đã cùng với những người trong gia đình dùng bàn ăn và những chiếc vợt bằng gỗ, quả bóng bằng lie để giải trí. Trò chơi này đã thu hút sự chú ý của công chúng nước Anh và Hãng Xenluloit (Celluloid) đã cùng tác giả hợp tác để sản xuất ra những quả bóng… Từ đó trò chơi đã có hiệu quả hơn.

Bóng bàn bắt đầu phát triển và phổ biến từ năm 1901. Năm 1921 Tổ chức Bóng bàn được thành lập ở Anh, và Liên đoàn Bóng bàn Thế giới (ITTF) được thành lập tiếp theo năm 1926.

2. Vài nét chính về bóng bàn thế giới

a. Thời kỳ châu Âu độc tôn.

Bóng bàn bắt nguồn từ châu Âu rồi lan truyền khắp thế giới thì việc trước những năm 50 của thế kỷ 20 các VĐV châu Âu hầu như làm mưa làm gió trên các giải bóng bàn thế giới, giành phần lớn ngôi vị quán quân là điều dễ hiểu.

Năm 1902, người Mỹ phát minh ra mặt vợt cao su đã làm thay đổi phần lớn kỹ chiến thuật trong bóng bàn, do mặt cao su có độ đàn hồi, độ ma sát tốt hơn so với mặt vợt gỗ đã tạo ra sự thay đổi về độ xoáy và một số cách đánh mới.

Thời kỳ này, tư tưởng chủ đạo về kỹ chiến thuật của các vận động viên là coi trọng phòng thủ, coi nhẹ tấn công, lấy phòng thủ chắc chắn làm nguyên tắc cơ bản, làm cho trận đấu kéo dài vô nghĩa, mất hứng thú của khán giả.

Để thay đổi tình trạng này, ITTF đã quyết định sửa đổi luật: tăng chiều rộng bàn bóng, hạ thấp chiều cao lưới, quy định thời gian thi đấu của mỗi ván đấu…

Biện pháp này đã cổ vũ và phát huy được lối đánh tấn công đẹp mắt, tăng nhanh nhịp độ thi đấu và trong chừng mực nào đó đã hạn chế được cách đánh phòng thủ tiêu cực.

b. Sự đột phá của Nhật Bản.

Đầu những năm 50 của thế kỷ 20, người ta đã cải tiến vợt và sử dụng mặt vợt mút xốp. Loại vợt này mặt vợt có tính đàn hồi và phản lực tốt, tốc độ bóng đánh đi tăng lên thuận lợi cho cách đánh tấn công. Năm 1952 lần đầu tiên vận động viên Nhật Bản đã sử dụng loại vợt này trong thi đấu giải Vô địch bóng bàn Thế giới với cách đánh vụt bóng xa bàn kết hợp với di chuyển nhanh đã dễ dàng giành được 4 huy chương vàng và chuyển ưu thế môn bóng bàn về với châu Á.

c. Sự bùng nổ của Trung Quốc.

Đầu những năm 50 của thế kỷ 20 Trung Quốc đã tham gia một số cuộc giải thi đấu lớn của bóng bàn quốc tế. Nhờ việc tổng kết, tích lũy kinh nghiệm, nghiêm túc huấn luyện kỹ thuật cơ bản và thể lực nên trình độ các vận động viên bóng bàn của họ nhanh chóng tiến bộ vượt bậc.

Năm 1959 Trung Quốc giành được chức vô địch đơn nam Thế giới.

Năm 1961 họ giành chức vô địch đồng đội nam.

Trong 3 giải Vô địch bóng bàn Thế giới liên tiếp: 26,27,28 các vận động viên Trung Quốc giành được hơn nửa trên tổng số huy chương vàng.

Trong thi đấu Quốc tế, bóng bàn Trung Quốc giành ưu thế áp đảo và hiện nay họ đã trở thành một cường quốc Bóng bàn được cả Thế giới thừa nhận.

3. Bóng bàn Việt Nam

Trước năm 1975, bóng bàn Việt Nam Cộng hoà đã từng giành giải vô địch châu Á năm 1957 (tại Philippines) và 1958 (tại Tokyo) với Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liệu.., và luôn đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong những năm 1960-1969.

Sau năm 1975, do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố mà bóng bàn Việt Nam không còn được quan tâm đào tạo như trước, nên đã trở nên yếu hơn rất nhiều và dần tụt hậu.

Năm 1993, Việt Nam trở lại đấu trường khu vực, SEA Games 17 với mục tiêu học hỏi và đã giành được chiếc huy chương vàng đồng đội nữ (Trần Thu Hà và Nhan Vị Quân).

Năm 1995, 1997, 1999, 2001 và 2003, bóng bàn Việt Nam giữ chức vô địch đơn nam Đông Nam Á tại các kì SEA Games, với lứa vận động viên Vũ Mạnh Cường, Trần Tuấn Quỳnh.

Từ năm 2002 đến nay, với sự tiến bộ ngày càng mạnh mẽ của các tay vợt Indonesia, Philippines, Thái Lan, đồng thời với trào lưu nhập quốc tịch cho các vận động viên Trung Quốc – một cường quốc bóng bàn thế giới – của Singapore, Malaysia đã khiến cho bóng bàn Việt Nam gần như mất dần vị thế ngay cả ở đấu trường khu vực nhỏ nhất. Tại SEA Games 23 (Bacalod, Philippines), Singapore đã thống trị và Việt Nam ra về trắng tay.

Năm 2004, khi Liên đoàn Bóng bàn Thế giới quyết định cấp cho vùng Đông Nam Á một suất tham dự Thế vận hội 2004 tại Athena, Đoàn Kiến Quốc đã xuất sắc vượt qua vòng loại khu vực để đặt chân lên đấu trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên đây là sân chơi quá tầm, Quốc đã thua ngay trận đầu tiên trước Yang Min (của Ý) 1-4.

nguồn gốc của môn bóng bàn

Hàng năm, khoảng tháng 7-8, luôn có giải bóng bàn Cây vợt vàng (Golden Racket) thu hút nhiều vận động viên tham dự. Tuy chưa đến tầm cỡ một giải Pro Tour của ITTF, nhưng nhiều tay vợt nổi tiếng cũng đã từng đến với Cây vợt vàng như Mã Lâm, Joo Se Hyuk… Đáng tiếc là các tay vợt Việt Nam hầu như chưa bao giờ giành được chiếc huy chương vàng đơn cả. Đây là giải đấu với mục đích học tập. Năm 1992, Cúp bóng bàn Thế giới cũng được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình luận