Kỹ thuật gò bóng bàn là một trong các kỹ năng không thể thiếu trong các loại hình cách đánh. Kỹ thuật này có những đặc điểm tương đồng với kỹ thuật cắt bóng như tốc độ chậm, độ phong phú, biến hóa của điểm rơi do bóng xoáy.
Khi gò bóng, đối phương sẽ không thể dễ dàng tấn công. Bởi bóng sau khi bật lên tại phần bàn của đối phương thường thiếu lực tiến ra phía trước thậm chí có xu hướng cuộn ngược về phía sau. Do đó có thể dùng kỹ thuật gò bóng bàn để giảm bớt áp lực tấn công của đối thủ, quá độ và tạo ra cơ hội phản công cho mình.
Phân loại kỹ thuật gò bóng bàn:
- Dựa vào sự khác nhau của vị trí đánh bóng: Chia thành gò bóng thuận tay và gò bóng trái tay.
- Dựa vào sự sớm muộn của thời điểm đánh vào bóng: Chia thành gò bóng nhanh và gò bóng chậm.
- Dựa vào sự khác nhau về cường độ xoáy của bóng: Chia thành gò xoáy và gò không xoáy.
- Dựa vào sự khác nhau về phương hướng của đường xoáy: Chia thành gò khi bóng xoáy xuống và gò khi bóng xoáy lên…
1. Kỹ thuật gò bóng bàn trái tay
Do phần lớn vận động viên (đặc biệt là vận động viên dùng vợt dọc) tấn công thuận tay tương đối mạnh, tấn công trái tay tương đối yếu. Cho nên gò bóng trái tay có tỷ lệ sử dụng cao hơn gò bóng thuận tay.
a. Kỹ thuật gò nhanh trái tay
– Đặc điểm:
Động tác nhỏ, nhịp độ và tốc độ đánh bóng tương đối nhanh, đường vòng cung thấp và có kèm theo xoáy xuống. Do đó có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị đánh bóng của đối phương, có thể kết hợp với gò bóng chậm, có thể thay đổi nhịp độ gò bóng để tạo điều kiện tấn công đập vụt.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Đứng ở vị trí hơi lệch trái bàn, thân người cách bàn khoảng 40cm, chân phải hơi lên trước, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người cúi ra trước và hơi xoay sang trái, tay phải co tự nhiên, cẳng tay hơi xoay trong, đưa vợt lên phía trên trước bên trái cơ thể làm cho mặt vợt hơi ngửa sau.
Sau khi bóng đến bật lên hỏi mặt bàn, cẳng tay và cổ tay vung vợt xuống phía dưới trước sang phải để đón bóng. Ở thời điểm bóng đi lên thì đánh vào phần giữa dưới của bóng. Trong giây lát vợt đánh vào bóng, cẳng tay và cổ tay dùng lực một cách thỏa đáng làm cho vợt ma sát vào bóng theo hướng xuống dưới ra trước sang phải. Cần chú ý lợi dụng lực bật lên của bóng đến.
Sau khi đánh bóng tay vung vợt theo đà xuống phía dưới trước bên phải đồng thời nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu. Trong quá trình thực hiện kỹ thuật động tác, trọng tâm cơ thể chuyển từ chân trái sang chân phải.
b. Kỹ thuật gò chậm trái tay.
– Đặc điểm:
Động tác tương đối lớn, nhịp độ đánh bóng và tốc độ bóng chậm có kèm theo xoáy xuống. Đây là một loại kỹ thuật gò bóng chắc chắn nhất, đối phương không dễ dàng phát động tấn công. Có thể kết hợp gò nhanh và gò ngắn, cũng như biến hóa có hiệu quả nhịp độ và điểm rơi đánh bóng làm tăng thêm độ khó cho đối phương khi đánh trả để tranh thủ giành thế chủ động và tạo ra cơ hội tấn công.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Đứng ở vị trí khu vực giữa hoặc hơi lệch trái bàn, thân người cách bàn khoảng 50cm, chân phải hơi lên trước, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người hơi xoay sang trái, tay phải co tự nhiên, cẳng tay hơi nâng lên và xoay trong, đưa vợt lên phía trên bên trái cơ thể làm cho mặt vợt hơi ngửa sau.
Sau khi bóng đến bật lên hỏi mặt bàn và bay đến vị trí cao, cẳng tay và cổ tay vung vợt ra trước xuống dưới và sang phải để đón bóng. Ở thời điểm bóng đi xuống thì đánh vào phần giữa và dưới của bóng. Trong giây lát vợt đánh vào bóng, cẳng tay và cổ tay dùng lực làm cho vợt ma sát vào bóng theo hướng ra trước, xuống dưới và sang phải.
Sau khi đánh bóng tay vung vợt theo đà về phía trước bên phải và xuống dưới, đồng thời nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật động tác, trọng tâm cơ thể chuyển từ chân trái sang chân phải.
c. Kỹ thuật gò bóng xoáy nghiêng trái tay.
– Đặc điểm:
Tôc độ chậm, đường vòng cung thấp có kèm theo xoáy nghiêng bên phải. Đối phương khi đánh trả dễ đánh bóng ra ngoài về phía bên phải hoặc đánh trả bóng cao. Từ đó tạo thuận lợi cho bản thân tấn công giành điểm.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Đứng hơi lệch sang bên trái bàn, thân người cách bàn khoảng 50cm, chân phải hơi lên trước, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người xoay ra trước hoặc hơi xoay sang trái, tay phải co tự nhiên, cẳng tay nâng lên và xoay trong, đưa vợt lên phía trên bên trái cơ thể làm cho mặt vợt hơi ngửa sau.
Sau khi bóng đến bật lên hỏi mặt bàn, cẳng tay và cổ tay vung vợt ra phía trước để đón bóng. Ở thời điểm bóng cao nhất hoặc bóng bắt đầu đi xuống thì dùng mặt vợt ngửa sau đánh vào phần giữa và dưới của bóng. Trong giây lát vợt đánh vào bóng, cẳng tay và cổ tay dùng lực làm cho vợt ma sát vào bóng theo hướng ra trước sang phải. Sau khi đánh bóng tay vung vợt theo đà về phía trước sang phải, đồng thời nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật động tác, trọng tâm cơ thể chuyển từ chân trái sang chân phải.
2. Kỹ thuật gò bóng bàn thuận tay.
Do đa số vận động viên bóng bàn năng lực tấn công thuận tay tương đối mạnh (đặc biệt là các vận động viên vợt dọc) cho nên tỷ lệ người sử dụng gò bóng thuận tay thường ít hơn số người sử dụng gò bóng trái tay. Khi gặp phải đường bóng xoáy xuống ở nửa bên phải bàn không dễ tấn công thì sử dụng gò bóng thuận tay để đánh trả sẽ tương đối chắc chắn hơn.
a. Kỹ thuật gò bóng nhanh thuận tay
– Đặc điểm:
Động tác nhỏ, nhịp độ và tốc độ đánh bóng tương đối nhanh, đường vòng cung thấp và có kèm theo xoáy xuống. Do đó có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị đánh bóng của đối phương, có thể kết hợp với gò bóng chậm, có thể thay đổi nhịp độ gò bóng để tạo điều kiện tấn công đập vụt.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Đứng lệch sang bên trái, thân người cách bàn khoảng 40cm, chân trái ra trước, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người hơi xoay sang phải, cẳng tay hơi xoay ngoài, đưa vợt lên phía trên trước bên phải cơ thể làm cho mặt vợt hơi ngửa sau. Sau khi bóng đến bật lên hỏi mặt bàn, cẳng tay và cổ tay vung vợt ra phía dưới, trước để đón bóng. Khi bóng còn ở thời điểm đi lên thì dùng mặt vợt ngửa sau đánh vào phần giữa và dưới của bóng.
Trong giây lát vợt đánh vào bóng, cẳng tay và cổ tay dùng sức thỏa đáng làm cho vợt ma sát vào bóng theo hướng ra trước, xuống dưới sang trái. Chú ý lợi dụng sức bật lên của bóng đến. Sau khi đánh bóng tay vung vợt theo đà về phía dưới trước sang trái, đồng thời nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật động tác, trọng tâm cơ thể chuyển từ chân phải sang chân trái.
b. Kỹ thuật gò bóng chậm thuận tay
– Đặc điểm:
Động tác tương đối lớn, nhịp độ đánh bóng và tốc độ bóng chậm có kèm theo xoáy xuống. Đây là một loại kỹ thuật gò bóng chắc chắn nhất, đối phương không dễ dàng phát động tấn công. Có thể kết hợp gò nhanh và gò ngắn, cũng như biến hóa có hiệu quả nhịp độ và điểm rơi đánh bóng làm tăng thêm độ khó cho đối phương khi đánh trả để tranh thủ giành thế chủ động và tạo ra cơ hội tấn công.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Đứng ở vị trí hơi lệch trái bàn, thân người cách bàn khoảng 50cm, chân trái hơi lên trước, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người hơi xoay sang phải, tay phải co tự nhiên, cẳng tay hơi nâng lên và xoay ngoài, đưa vợt lên phía trên bên phải thân người làm cho mặt vợt hơi ngửa sau.
Sau khi bóng đến bật lên hỏi mặt bàn, cẳng tay và cổ tay vung vợt xuống phía dưới, trước và sang trái để đón bóng. Ở thời điểm bóng bật bàn và bắt đầu đi xuống thì đánh vào phần giữa và dưới của bóng. Trong giây lát vợt đánh vào bóng, cẳng tay và cổ tay dùng lực làm cho vợt ma sát vào bóng theo hướng ra trước, xuống dưới và sang trái. Sau khi đánh bóng tay vung vợt theo đà về phía trước bên phải và xuống dưới, đồng thời nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật động tác, trọng tâm cơ thể chuyển từ chân phải sang chân trái.
c. Kỹ thuật gò bóng xoáy nghiêng thuận tay
– Đặc điểm:
Tốc độ bóng chậm, đường vòng cung thấp có kèm theo xoáy nghiêng bên trái. Đối phương khi đánh trả dễ ra ngoài ở phía bên trái hoặc đánh trả bóng cao, từ đó tạo cơ hội tấn công cho mình.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Đứng hơi lệch sang bên trái bàn, thân người cách bàn khoảng 50cm, chân phải hơi lên trước, hai gối hơi co, hóp bụng và ngực, thân người xoay ra trước hoặc hơi xoay sang phải, tay phải co tự nhiên, cẳng tay nâng lên và xoay ngoài, đưa vợt lên phía trước bên phải cơ thể làm cho mặt vợt hơi ngửa sau.
Sau khi bóng đến bật lên hỏi mặt bàn, cẳng tay và cổ tay vung vợt ra phía trước sang trái đón bóng. Ở thời điểm bóng cao nhất hoặc bóng bắt đầu đi xuống thì dùng mặt vợt ngửa sau đánh vào phần giữa và dưới của bóng. Trong giây lát vợt đánh vào bóng, cẳng tay và cổ tay dùng lực làm cho vợt ma sát vào bóng theo hướng ra trước sang trái. Sau khi đánh bóng tay vung vợt theo đà về phía trước sang phải, đồng thời nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị ban đầu.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật động tác, trọng tâm cơ thể chuyển từ chân phải sang chân trái.
3. Kỹ thuật gò bóng vẩy ngắn (vuốt bóng)
– Đặc điểm:
Động tác nhỏ, tốc độ bóng nhanh, đường vòng cung thấp, đường bóng ngắn, điểm rơi gần lưới, có thể hạn chế sức tấn công của đối phương. Kỹ thuật này chủ yếu được dùng để đối phó với đường bóng xoáy xuống gần lưới.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Trên cơ bản kỹ thuật động tác giống với gò bóng nhanh. Điểm khác nhau là so với gò bóng nhanh thì nói chung các động tác phải nhanh hơn nữa. Khi bóng đến chạm bàn, tay cầm vợt phải nhanh chóng đón bóng làm cho mặt vợt hơi ngửa sau. Khi bóng đến vừa bật lên khỏi mặt bàn thì dùng lực của cẳng tay và cổ tay ma sát vợt nhẹ vào phần giữa và dưới bên cạnh của bóng theo hướng ra trước làm cho bóng bay nhẹ và rơi vào sát lưới ở bàn của đối phương.
4. Kỹ thuật gò bóng xoáy mạnh và không xoáy
– Đặc điểm:
Cố gắng hết mức dùng phương pháp tay giống nhau để gò bóng sang có xoáy mạnh và không xoáy làm cho đối phương khó phán đoán cường độ xoáy của bóng. Khi đối phương đánh trả dễ xuất hiện bóng chúc lưới hoặc đánh bóng cao, từ đó tạo cơ hội tấn công.
– Thực hiện kỹ thuật động tác:
Khi gò bóng xoáy mạnh cần tăng nhiều góc độ ngửa vợt. Trong giây lát vợt tiếp xúc bóng cần phát huy tối đa sức mạnh của cẳng tay và cổ tay với tốc độ nhanh ma sát vợt vào giữa và dưới bóng theo hướng ra trước và xuống dưới. Khi gò bóng “không xoáy” có thể giảm nhiều góc độ ngửa vợt. Trong giây lát vợt đánh vào bóng tốc độ vẩy (vuốt) của vợt cần chậm một chút, dùng mặt vợt chạm nhẹ bóng đẩy ra phía trước để giảm thiểu sức mạnh ma sát vợt vào bóng. Sau khi bóng rời khỏi vợt, cẳng tay và cổ tay dùng sức nhanh mạnh để tăng thêm tốc độ vuốt bóng, làm cho động tác gò bóng không xoáy giống với động tác gò bóng xoáy mạnh….
Theo: Dụng cụ bóng bàn